Để gìn giữ được nét đẹp văn hóa trong tập tục cúng ông Công ông Táo của người Việt thì trước hết cần hiểu đúng ý nghĩa của phong tục này.
- Cúng Táo quân Việt Nam – Trung Quốc khác nhau như thế nào?
- Lễ cúng ông Công ông Táo chuẩn nhất
- Cách sắm lễ cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp
- Cách cúng Táo Quân Bắc Trung Nam khác nhau như thế nào?
Thời điểm cúng
Cúng Táo quân (ông Công ông Táo) là tục lệ truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam. Tiến sĩ Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng cho rằng các gia đình không nên cúng ông Công ông Táo quá sớm, tuyệt đối tránh cúng vào đúng ngày rằm tháng chạp.
Theo đó, nên cúng sớm nhất là từ ngày 20 đến 23 tháng Chạp. Theo tín ngưỡng dân gian, 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo đã bay về chầu trời. Vì thế, việc cúng lễ cần tiến hành trước giờ này.
Nơi cúng
Nhiều người quan niệm, ông Công là thần thổ công cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà, còn ông Táo trông coi việc bếp núc nên sẽ được cúng ở dưới bếp. Tuy nhiên, theo chuyên gia nghiên cứu tâm linh, việc cúng lễ như vậy là không đúng.
Theo truyền thống, tất cả các vị này đều cần được thờ phụng trên ban thờ chính của gia đình. Hơn nữa, bếp là nơi đun nấu, không phải nơi cúng lễ. Mâm cỗ cúng 23 tháng Chạp cần được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà.
Chuẩn bị đồ cúng
Khi thực hiện lễ cúng ông Công, ông Táo các gia đình thường làm mâm cỗ mặn gồm: đĩa gạo, đĩa muối, thịt lợn luộc, canh mọc, đĩa xào thập cẩm, giò, xôi gấc, hoa quả, hoa tươi. Lễ vật cần chuẩn bị gồm 3 bộ quần áo, mũ, giày với một con ngựa bằng giấy hoặc 3 con cá chép và tiền vàng. Tùy điều kiện và hoàn cảnh, các gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ không nhất thiết phải quá cầu kỳ.
Cúng tiền âm phủ
Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh cho rằng, khi cúng ông Công ông Táo, gia chủ tuyệt đối không đốt quá nhiều tiền âm phủ. Ngoài ra, trong dịp này, nhiều gia đình cũng sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng mua vàng mã về đốt. Họ tin rằng dâng mâm cao cỗ đầy sẽ được Táo quân ban nhiều phước lộc, bỏ qua những việc làm xấu trong năm. Tuy nhiên, điều này không chỉ gây tốn kém tiền của, không có lợi ích mà còn ảnh hưởng đến môi trường.
Khấn xin tài lộc, sung túc
Lễ cúng 23 tháng Chạp mang ý nghĩa tiễn ông Công ông Táo về trời để báo cáo việc lớn việc nhỏ trong năm của gia chủ với thiên đình. Vì thế việc cầu xin phú quý, sung túc là không nên. Các gia đình chỉ nên khấn xin Táo bẩm báo những việc tốt đẹp trong năm.
Những đại kỵ khi thả cá chép
Sau lễ cúng, các gia đình thường tiến hành hóa vàng sau đó rải tro xuống sông hồ kết hợp với phóng sinh cá chép đã cúng ông Táo. Tuy nhiên, còn một số gia đình thường đứng ở trên cầu cao thả cá xuống sông, như vậy sẽ làm chết cá, đi ngược lại ý nghĩa phóng sinh phương tiện đi lại của ông Táo. Bên cạnh đó, việc thờ cúng quá nhiều vàng mã sau đó hóa vàng rồi đổ ra sông, hồ cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường. Tuyệt đối trong ngày này không vứt cả túi nylon đựng cá, đựng tro vàng mã ra sông hồ.
Trong ngày 23 tháng Chạp, người Việt có phong tục thả cá chép tiễn ông Táo chầu trời. Không chỉ mang ý nghĩa “đưa ông Táo bay về trời”, hành động phóng sinh còn hướng con người đến những điều thiện, giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Chính vì vậy, tục thả cá không coi trọng nhiều hay ít, cá to hay nhỏ mà quan trọng ở tấm lòng của người phóng sinh, không phạm vào những điều đại kỵ làm mất đi ý nghĩa của tục lệ và gây hại cho môi trường.
Không thả cá từ thành cầu, ném cá xuống sông hồ từ những vị trí trên cao: Hành động này thể hiện sự sơ sài, cẩu thả của người phóng sinh, đồng thời nhiều khả năng cá có thể bị chết do rơi từ trên cao, lực ném quá mạnh.
Theo phong tục thả cá chép, cá nên được đặt trong lòng bàn tay, thả nhẹ nhàng xuống nước. Thao tác nhẹ nhàng nhưng nhanh gọn và tránh việc đổ, ném, quăng cá mạnh tay từ xô, chậu, túi nylon xuống thẳng sông hồ.
Không thả cả túi nylon và cá xuống sông: Hình ảnh túi nylon, bao bì nhựa trôi nổi khắp mặt sông mặt hồ mỗi dịp ông Công ông Táo chầu trời là hình ảnh xấu xí. Việc thả cá cùng túi nylon không chỉ làm mất đi nét đẹp của một tục lệ truyền thống mà còn thể hiện sự vô ý thức với môi trường sống.
Túi nylon thả cùng cá có thể khiến chúng chết ngạt và ảnh hưởng đến sự sống của các sinh vật khác trên sông hồ. Hành động thả cá cũng vì vậy mà mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu là phóng sinh.
Sau khi thả cá không nên vội vàng rời đi ngay mà cần chờ xem cá đã bơi được chưa hay bị mắc kẹt hoặc chưa kịp định hướng nên bơi ngược, bị xô dạt vào bờ. Người phóng sinh cũng cần thu dọn sạch sẽ giấy rác, bao bì sau khi thả cá xuống sông hồ.
Không nên phóng sinh cá ở giếng, các vùng nước đọng và những nơi nguồn nước bị ô nhiễm vì cá sẽ ít có cơ hội sống sót. Cũng cần chọn nơi ít người câu cá để tránh việc cá vừa thả ra đã bị đánh bắt.
Nguồn: Zing.vn