Vào dịp Xuân mới, trên mọi miền đất nước đều tổ chức rất nhiều lễ hội truyền thống để chào đón một năm mới bình an, hạnh phúc, tràn đầy sức khỏe. Và ở Miền Nam cũng vậy, hàng loạt lễ hội mùa xuân đặc sắc được tổ chức thu hút hàng ngàn du khách tới thăm và vui chơi. Hãy cùng dịch vụ chuyển nhà Phú Mỹ tìm hiểu về các lễ hội này nhé
Lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh)
Lễ hội xuân núi Bà Đen được khai mạc đúng mùng 4 Tết Nguyên đán và kéo dài đến hết tháng Giêng nhưng lễ hội chính diễn ra từ 15 đến 18/1 Âm lịch. Theo truyền thuyết, có một người con gái tên là Đênh (sau gọi là Đen) sùng Đạo Phật và là con của một vị quan lớn. Khi trưởng thành, cô bị ép duyên với con một vị quan khác, nàng bỏ nhà lên núi xuất gia và chết ở đó. Sau này, triều đình nhà Nguyễn cho đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu”.
Mỗi năm, có hàng trăm ngàn du khách khắp nơi đến đây đi lễ, xin phước lành bà Linh Sơn Thánh Mẫu. Điểm đặc biệt khi tới lễ hội đền Bà Đen là văn hóa mộ đạo. Bạn có thể lưu lại chùa một vài ngày, thưởng thức cơm chay, ngắm mây nhìn phong cảnh hùng vĩ của Núi Bà Đen với độ cao khoảng 380m.
Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương)
Lễ hội diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng. Đây là một lễ hội dân gian mang những nét văn hóa độc đáo riêng của vùng Ðông Nam Bộ. Theo tín ngưỡng của người Hoa, bà Thiên Hậu là một vị thần phò trợ cho họ trong những chuyến đi dài trên biển, tiếp đến là che chở cho họ ở những vùng đất mới.
Tương truyền bà là người có thật, tên gọi Lâm Mị Châu người Phúc Kiến, đời Tống với những biệt tài rất đặc biệt từ lúc còn nhỏ như nghe và nhìn thấy một sự vật cách xa hàng vạn dặm.
Điểm nhấn của ngày chính lễ là nghi thức rước kiệu bà đi một vòng quanh thành phố. Sau đó, mọi người có thể vào viếng Bà, thắp nén hương thơm để tưởng nhớ tới công đức của Bà.
Lễ hội Dinh Cô, Bà Rịa – Vũng Tàu
Lễ hội Dinh Cô diễn ra từ ngày 10 tới ngày 12/2 Âm lịch tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nơi đây thờ bà Lê Thị Hồng Thủy – sau khi chết xác trôi dạt vào bờ được người dân chôn cất cô và lập miếu thờ trên đồi cao.
Vào ngày chính hội, du khách đều cầm trên tay một cành huệ trắng – tượng trưng của sự tinh khiết của cô gái và một nén nhang để thắp trên bàn thờ. Và hàng trăm ngàn ghe thuyền xếp hàng ngay ngắn trên biển để chuẩn bị cho nghi lễ “Nghinh Cô” đầy tôn kính và linh thiêng.
Chợ nổi ngày Tết ở Miền Tây Nam Bộ
Cứ vào dịp cuối năm, chợ nổi lại đông đúc, nhộn nhịp hẳn lên với lung linh sắc Tết, tạo nên nét đặc trưng cho văn hóa chợ của miền sông nước. Một chuyến du lịch về miền sông nước sẽ là lựa chọn thú vị cho bạn trong dịp Tết này.
Với hơn 54.000 km chiều dài của sông rạch, miền Tây Nam Bộ chứa đựng một nền văn minh văn hóa sông nước đặc trưng không nơi nào ở Việt Nam có được, đặc biệt là những khu chợ nổi trên sông, đã gắn liền với đời sống nhân dân hàng mấy trăm năm nay từ thời khẩn hoang lập đất.
Ở miền Tây, chợ nổi bao đời nay là nơi sinh hoạt, mua bán trao đổi hàng hóa của những người dân bến nước và trở thành một địa điểm du lịch văn hóa đặc biệt mà thật đáng tiếc nếu ai về miền Tây lại không tham quan chợ nổi trên sông.
Chợ nổi miền Tây thu hút khá đông du khách đến tham quan, theo thống kê, chỉ tính riêng tại chợ nổi Cái Răng đã có khoảng 300 – 500 khách mỗi ngày và tăng gần gấp đôi vào những ngày giáp Tết nhờ ở gần trung tâm thành phố. Những ngày giáp Tết, không khí Xuân ấm áp trên chợ nổi càng thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của du khách về chợ nổi trên sông.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện có trên hai mươi chợ nổi, trong đó có Phong Điền, Cái Răng (Cần Thơ), Trà Ôn (Vĩnh Long), Cồn Tròn (Tiền Giang), Chợ Thơm (Bến Tre), Cà Mau… là những chợ nổi được nhiều du khách biết đến. Tới một trong số những chợ nổi này, bạn sẽ cảm nhận được cái Tết của người miền Tây.
Các Lễ hội mùa Xuân tại TPHCM
Không cần phải đi đâu xa, nếu bạn đón Tết ngay tại Sài Gòn hoặc bạn vừa chuyển nhà tới TPHCM trong dịp cuối năm thì nơi đây có rất nhiều lễ hội và điểm du lịch cho bạn tham quan và vui chơi dịp Tết.
Lễ hội đền Đức Thánh Trần
Lễ hội diễn ra từ ngày 8 đến 10 tháng Giêng, nhằm tri ân công đức của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đồng thời giáo dục truyền thống, lịch cho thế hệ trẻ.
Đền thờ đức thánh Trần nằm tại số 36 đường Võ Thị Sáu (P. Tân Định, Q. 1, TPHCM), đền được xây dựng vào năm 1932. Sau một lần xây dựng lại và rất nhiều lần trùng tu đã tạo ra được diện mạo của đền thờ như hôm nay.
Trong đền thờ đức thánh Trần có bàn thờ thờ các vị tướng lĩnh tài giỏi đời Trần như: Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng. Các phù điêu ghi lại các sự kiện trọng đại như hội nghị Diên Hồng, trận Bạch Đằng giang cũng được trưng bày tại đây.
Lễ Nguyên Tiêu tại khu người Hoa
Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu) là ngày rằm lớn trong năm nên các chùa lớn nhỏ ở Sài Gòn đều tấp nập khách đến thắp hương. Đặc biệt ở phố người Hoa (khu vực Chợ Lớn), nhiều lễ hội diễn ra thu hút sự quan tâm của khá đông người.
Người ta bắt đầu nô nức đi lễ chùa Hoa ở Chợ Lớn từ chiều 14 cho tới suốt ngày Rằm tháng Giêng để cầu phúc trong năm mới. Vào dịp Rằm tháng Giêng, một số bà con người Hoa đến lễ chùa và xin vay mượn tiền của các vị thần thánh trong chùa như Ông Bổn, Quan Công để làm ăn buôn bán. Sự vay mượn này có tính chất tượng trưng, nhưng đến cuối năm vào Rằm tháng Chạp, bà con đến chùa trả lễ đầy đủ cả vốn lẫn lời bằng số tiền mặt bỏ vào các thùng phước sương.
Đối với các chùa Việt hay Hoa ở Sài Gòn, trọng tâm của lễ hội rằm tháng Giêng là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ cho mọi người. Người đi chùa cũng là cầu an cho cả năm chứ không đơn thuần là xin lộc, hay cúng sao giải hạn cho buôn bán hanh thông.
Các khu vui chơi tại TPHCM
Không thể không kể đến các chợ hoa Xuân tại các công viên 23/9, công viên Gia Định… Với hàng ngàn loại hoa đẹp từ mọi miền Tổ quốc được đưa về đây để trưng bày, mang tới màu sắc tươi đẹp và phục vụ nhu cầu mua hoa của người dân TPHCM.
Các lễ hội tại đường hoa Nguyễn Huệ, phố Hoa xuân Quận 7, các khu du lịch như Suối Tiên, Đầm Sen… cũng diễn ra rất nhiều chủ đề mừng đón xuân mới, thu hút đông đảo khách du lịch tới thăm.