Halloween là một lễ hội phổ biến ở các nước phương Tây, được tổ chức thường niên khoảng thời gian cuối năm. Trong lễ hội này, mọi người đều trang trí và hóa trang rùng rợn, nhưng lại mang không khí khá vui tươi. Qua nhiều thập kỷ, Halloween đã du nhập và được nhiều nước châu Á đón nhận, trong đó có các bạn trẻ Việt Nam.
Tuy nhiên, nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội này không phải ai cũng biết. Và bản thân Halloween cũng chứa đựng nhiều câu chuyện khá thú vị. Hãy cùng dịch vụ chuyển nhà Phú Mỹ tìm hiểu về lễ hội này nhé.
Halloween là gì?
Nếu tìm hiểu Halloween trên mạng và báo chí, bạn có thể thấy khá nhiều hình ảnh rùng rợn, kinh dị. Vậy đây là nghi lễ, tập tục tôn thờ quỷ dữ hay đây là tà giáo có từ thời xa xưa?
Có nhiều sự lý giải cho câu hỏi Halloween là gì và nguồn gốc ra đời. Theo Thiên Chúa Giáo, Halloween là từ viết tắt của “All Hallows’ Evening”, tức là ngày lễ Thánh hóa, diễn ra vào ngày đầu tiên của tháng 11, tháng tưởng nhớ những người đã chết, gồm các thánh, các vị tử đạo và tất cả các tín hữu trung kiên đã qua đời.
Nhưng trong nhiều tài liệu nghiên cứu khác cho rằng, Halloween ngày nay chịu ảnh hưởng từ lễ Samhain của dân tộc Celt, một dân tộc sống cách đây hơn 2000 năm trên các vùng đất bây giờ là Anh quốc, Ai-len (Ireland) và miền Bắc nước Pháp… vào ngày 31/10, tức là ngày cuối cùng của mùa hè như là một nghi lễ mừng năm mới.
Họ tin rằng khi mùa hè kết thúc và mùa đông lạnh lẽo, tràn đầy bóng tối bắt đầu thì vào đêm trước của năm mới (tức ngày 31/10) ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mờ nhạt, điều này khiến cho những linh hồn đã khuất có thể tìm được đường về cõi người sống.
Các linh hồn sẽ trở về thế gian tìm kiếm thân xác để hồi sinh. Do đó vào ngày này, người dân thường dập tắt các đám lửa trong nhà của họ, biến bản thân trở nên lạnh lẽo và hy vọng các linh hồn sẽ bỏ qua. Đồng thời, họ cũng có tục lệ mặc các trang phục mô phỏng ma quỷ, diễu hành ồn ào quanh các khu phố để trấn an nỗi lo sợ các linh hồn.
Theo thời gian, lễ Halloween đã du nhập sang rất nhiều nước từ Âu sang Á, nhưng mỗi nước đều biến tấu nó đi để có ngày lễ Halloween của riêng mình. Và cho đến ngày nay, lễ hội này đã trở nên phổ biến với nhiều quốc gia trên thế giới.
>>> Xem thêm: Tháng 7 âm lịch kiêng kỵ điều gì
Ngày lễ Halloween là ngày nào?
Như đã giải thích nguồn gốc của Halloween bên trên, ngày lễ Halloween được tổ chức vào cuối tháng 10 hằng năm.
- Ngày Halloween 2020 vào ngày Thứ Bảy, 31/10/2020
- Ngày Halloween 2021 vào ngày Chủ Nhật, 31/10/2021
- Ngày Halloween 2022 vào ngày Thứ Hai, 31/10/2022
- Ngày Halloween 2023 vào ngày Thứ Ba, 31/10/2023
- Ngày Halloween 2024 vào ngày Thứ Năm, 31/10/2024
Ý nghĩa từ truyền thuyết của ngày Halloween
Truyền thuyết câu chuyện cổ
Theo truyền thuyết của nước Ireland thì từ ngữ “Jack-ó-lanterns” đến từ một người có tên là Jack. Jack là một chàng thiếu niên đã chết nhưng linh hồn không được phép vào Thiên Đàng vì lý do: lúc sống, anh ta vốn là một người tham lam, bủn xỉn, thường cất giấu tiền bạc, keo kiệt không hề bố thí cho ai một chút gì. Thế nhưng anh ta lại cũng không thể vào Địa Ngục vì lúc còn sống anh ta đã từng chơi đùa với ma quỷ, nên quỷ không bắt anh.
Chuyện kể rằng: “Một hôm có con quỷ đến quấy phá một vùng dân cư, chẳng may bị báo động, người ta đến cầu cứu các vị tu sĩ đem các vật thánh đến “yểm” và “khóa các cửa” ra vào. Thế là con quỷ bị bắt… Jack đã nhận ra đó là con quỷ thường vui đùa với mình và Jack đã tìm cách gỡ vật “yểm ma quỷ” mở đường cho quỷ chạy thoát.
Để đền ơn cứu mạng, quỷ hứa với Jack là sẽ không bắt hồn Jack về Địa Ngục. Do đó, khi Jack chết vì một tai nạn, hồn Jack bị Thiên Đường từ chối. Jack liền tìm đến Địa Ngục, nhưng quỷ không cho vào… vì lời hứa trước. Thấy Jack lạnh lùng khổ sở, quỷ bèn lấy một ít than hồng ở Địa Ngục bỏ vào trong ruột một quả bí ngô và đưa cho Jack để sưởi ấm… trên đường trở lại trần gian.
Để cho không khí thông vào nuôi lửa, Jack phải đục thủng quả bí ngô và ánh lửa từ trong đã chiếu ra soi sáng nẻo đường lang thang của Jack. Có lẽ Jack phải cầm đèn đi lang thang trên mặt đất cho đến ngày phán xét cuối cùng của nhân loại.”
Ý nghĩa giáo dục
Hành động và cuộc đời của Jack đã trở thành những kinh nghiệm để tuổi trẻ rút ra một bài học làm người, đó là:
- Sống không nên tham lam, bủn xỉn, keo kiệt
- Phải có lòng bác ái, từ bi, biết giúp đỡ kẻ khó khăn
Không nên chơi đùa với ma quỷ. Ma quỷ hiểu theo nghĩa bóng là những trò lừa lọc, đe dọa, làm cho người khác sợ hãi, những việc làm tinh quái do trí thông minh và tưởng tượng của tuổi trẻ sáng tạo ra có khi làm hại đến người, đến xã hội… Chơi đùa, giao du với ma quỷ sẽ dễ bị cám dỗ đi vào đường tối tăm và tội lỗi.
Tuy nhiên, chuyện anh chàng Jack trong đêm Halloween cũng ghi nhận một thái độ sòng phẳng của quỷ, đó là “ân đền, oán trả” và “giữ lời hứa”. Dù rằng sự “giữ lời hứa” này đã làm cho Jack rơi vào thân phận cô hồn lang thang vất vưởng.
Ý nghĩa nhân văn
Nếu đào sâu hơn, có lẽ sẽ tìm thấy tính cách nhân bản trong câu chuyện. Thử đặt câu hỏi: Tại sao dưới ánh sáng khoa học và kỹ thuật mà các nước phương Tây vẫn dành một ngày lễ hội cho người của “cõi âm” mà đại diện là chàng Jack?
Jack là nhân vật tưởng tượng nhưng đã thực sự hiện thân trong cuộc đời, trong thân phận làm người… mà lại là một người cô đơn. Khi chết, Jack trở thành cô hồn, không chỗ dung thân… Thiên Đàng và Địa Ngục đều từ chối!
Truyền thống lễ hội Âu Mỹ đã dành cho Jack một ngày. Một ngày được trở lại với cõi dương. Trong ngày đó, Jack có thể sống vui chơi thoải mái, vì người sống đã hóa trang thành ma quỷ để linh hồn Jack có chỗ trà trộn vào cho đỡ cô đơn. Đây là ý nghĩa nhân bản của lễ hội Halloween.
Với ý nghĩa nhân bản này, ngày lễ Halloween và Rằm tháng Bảy Âm lịch của nước ta có thể xem như là ngày hai cõi Âm, Dương hội ngộ trong niềm thương cảm bao la.
>>> Xem thêm: Những vật dụng không nên mang về nhà mới
Bí ẩn của Halloween
Vì sao quả bí ngô lại hiện diện trong dịp Halloween?
Quả bí ngô được khoét theo khuôn mặt kinh dị là biểu tượng của ngày lễ Halloween, gắn liền với câu chuyện truyền thuyết về Jack vừa được kể bên trên.
Thêm nữa, khi di chuyển từ Ireland và Anh tới Mỹ, mọi người thấy rằng những quả bí ngô, loại nông sản đặc trưng của vùng đất này có thể dễ dàng để họ khoét ruột, khắc họa những khuôn mặt đáng sợ, láu cá vào thay vì khoai tây và củ cải đường như trước đây. Sau đó, họ để những cây nến vào trong ruột quả bí để soi sáng, dẫn đường cho những linh hồn ma quỷ vất vưởng.
Tại sao lại phải hóa trang?
Theo các câu truyện truyền miệng của người Celtic, vào ngày đó những người đã chết sẽ quay về nhân gian tìm một cơ thể và nhập vào để được đầu thai vào năm sau. Đó là cách duy nhất để các linh hồn đó có thể được tái sinh. Người Celtic tin rằng ngày đó chính là ngày âm dương giao hòa, kẻ chết và người sống có thể tiếp xúc với nhau.
Dĩ nhiên người sống không bao giờ muốn cơ thể của mình bị các linh hồn “cướp” mất, vì thế vào tối 30/10 tất cả các làng mạc đều dập tắt lửa và mặc những trang phục cực kỳ ghê tởm và diễu hành ầm ĩ khắp xóm để xua đuổi các linh hồn đến tìm kiếm thân xác để nhập vào.
Có một tài liệu khác cho rằng sở dĩ người Celtic dập tắt lửa nhà mình là để đến hôm sau tất cả cư dân cùng thắp sáng nhà mình bằng cùng một ngọn lửa được lấy từ trung tâm vùng Ireland. Và cơ thể những người bị các linh hồn nhập vào sẽ bị trói vào cọc và đốt để cảnh cáo và cũng là để xua đuổi các linh hồn muốn tái sinh. Nhưng càng về sau này người ta càng tin rằng đó chỉ là những truyền thuyết mà thôi.
Người Châu Âu thì cho rằng, những bộ trang phục kỳ quái trong ngày Halloween không phải có xuất xứ từ người Celtic mà có xuất xứ từ chính những người Châu Âu. Vào thế kỷ thứ 9, ngày 2/11 hàng năm và cũng là ngày cầu cho các linh hồn, những giáo dân thường ăn mặc giống như những kẻ ăn mày rồi đi từ làng này sang làng kia để xin những mẫu bánh vụn tượng trưng cho thức ăn nuôi dưỡng linh hồn.
Những người này tin rằng, họ càng xin được nhiều mẩu bánh thì linh hồn của những người thân của họ sẽ nhận được càng nhiều những lời cầu nguyện. Các giáo dân tin rằng, những lời cầu nguyện này sẽ giúp cho những linh hồn người thân của họ còn mắc kẹt ở đâu đó sẽ được lên thiên đàng.
Quả táo Pomona là gì?
Ngày lễ Halloween sau đó đã du nhập sang rất nhiều nước khác nhau, nhưng mỗi nước đều biến tấu nó đi để ngày lễ Halloween là của mình. Đầu tiên phải kể đến người Roman, ngay từ những thế kỷ đầu tiên sau công nguyên, người Ý xa xưa đã dùng ngày cuối tháng 10 này để tưởng nhớ nữ thần Pomona, nữ thần trái cây của họ. Biểu tượng của nữ thần Pomona là trái táo, điều này giải thích cho trò đớp những trái táo trong ngày Halloween hiện nay.
Cây táo từ lâu đã được gắn với hình ảnh nữ thần bất tử và trí tuệ. Nếu bổ ngang một quả táo, sẽ lộ ra hình ngôi sao 5 cánh, biểu tượng cho nữ thần trong niềm tin của người Châu Âu ngày xưa. Táo Pomona là những quả táo được thả trong chậu nước, hoặc trên sợi dây. Những thanh niên tới tuổi cập kê tìm mọi cách để lấy quả táo và người nào làm được thì sẽ là người sớm được lập gia đình.
Ngoài ra còn nhiều truyền thuyết dân gian khá lý thú như ai gọt vỏ táo Pomona trước một cái gương bên cạnh một cây nến cháy thì sẽ nhìn thấy hình ảnh của người vợ (chồng) tương lai trong gương, hoặc cố gắng giữ vỏ táo càng lâu thì cuộc đời của bạn được kéo dài…!
>>> Xem thêm: Nằm mơ thấy dọn dẹp nhà cửa dự báo cho bạn điều gì?
Tập tục trong ngày Halloween
Lễ hội hóa trang
Đây là phong tục phổ biến nhất vào Halloween, đặc biệt là đối với trẻ em. Trang phục thường gặp là những bộ quần áo hóa trang phù thủy, ma quỷ, các nhân vật hoạt hình nổi tiếng hoặc những sinh vật siêu nhiên khác…
Trick Or Treat
Vào giữa thế kỷ 19, tục lệ “trick or treat” chưa được phổ biến ở các thành phố lớn vì ở những nơi này “hàng xóm láng giềng” hầu như không có; nhiều người ở cạnh nhau mà không quen biết nhau, cho nên Halloween đôi khi gây ra những sự việc tai hại. Ngày nay, nhiều cộng đồng, nhiều tổ chức đã đứng ra bảo trợ các tục lệ vui chơi của ngày Halloween, nên nó đã trở thành một ngày lễ hội rất được chào đón của thiếu niên và một số thanh niên.
“Trick” nguyên nghĩa là: đánh lừa, trò chơi tinh ma nghịch ngợm: “Treat” là tiếp đón, đối xử tử tế, tiếp đãi. Các em nhỏ và thiếu niên, thanh niên hóa trang với áo quần và mặt nạ hình ma quỷ, rồi cầm lồng đèn đi từ nhà này sang nhà khác trong xóm, gõ cửa và nói “trick or treat”. Câu này có nghĩa là: “Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi cái gì đi”. Thông thường những người láng giềng luôn luôn muốn tránh việc “trick” nghĩa là chơi đòn đánh lừa nên thường tiếp đón (treat) chúng bằng kẹo và trái cây (theo tục lệ có nhét đồng tiền ở bên trong).
Đốt lửa
Trong ngày lễ Halloween, người ta đốt lửa với hi vọng mặt trời sẽ ngày lại ngày chiếu sáng và lưu lại trong thời gian lâu hơn, giúp cho mùa màng bội thu.
Trang trí lồng đèn
Tập tục này liên quan đến Jack và những quả bí ngô. Trẻ em thường chơi trò đục khoét quả bí ngô, củ khoai tây hoặc bí đao; sau đó khắc hình thù những khuôn mặt lên đó, đặt nến vào bên trong để thắp sáng. Những chiếc lồng đèn này được gọi là “Jack O’Lantern”.
Đớp táo
Khi người Celtic bị người La Mã đánh chiếm, nhiều phong tục của người La Mã theo đó cũng du nhập vào đất Celtic, trong đó có lễ hội thờ nữ thần mùa màng Ponoma. Vị thần này thường “ẩn náu” trong giỏ hoa quả.
Quả táo là một thứ hoa quả linh thiêng dùng để thờ cúng thần linh, do đó nhiều trò chơi có liên quan đến loại quả này xuất hiện trong lễ hội Samhain.
Có rất nhiều hình thức chơi liên quan đến táo trong đêm Halloween, phổ biến nhất là hình thức thi nhau lấy được thật nhiều quả táo trong thau nước, hoặc thi gọt vỏ táo, vỏ táo càng dài thì càng sống lâu…
Người nào càng lấy được nhiều táo, người đó càng gặp nhiều may mắn trong năm tới. Thiếu nữ nào túm được quả táo, chắc chắn cô ấy sẽ kết hôn năm đó.
Những món ăn truyền thống ngày Halloween
Ngày lễ Halloween có những món ăn truyền thống, mang ý nghĩa riêng như kẹo táo, bánh linh hồn, súp bí đỏ, Barnbrack, Colcannon…
Những sự thật thú vị về ngày Halloween
- Bên cạnh mèo đen, loài cú là hình ảnh phổ biến trong Halloween. Vào thời Trung Cổ ở châu Âu, cú được loài vật thân thiết với ma quỷ, phù thủy. Mỗi khi cú kêu thì đó là điềm báo ai đó sắp chết.
- Samhainophobia là tên hội chứng kỳ lạ của những người sợ ngày Halloween. Theo đó, những người này thường ở trong nhà vào ngày này và tuyệt đối không đi tới chỗ có người hóa trang.
- Điều đáng buồn là trong đêm diễn ra lễ Halloween, tỉ lệ trẻ em chết do tai nạn và mất tích nhiều hơn bất cứ ngày nào khác trong năm.
- Vào thời xa xưa, nếu người nào đó trót hóa trang thành phù thủy trong lễ hội Halloween thì phải nhất định dẫn theo một con mèo mun. Bởi lẽ, nhiều người tin rằng, mèo mun chính là đầy tớ thân cận với phù thủy.
- Thuật ngữ “phù thủy” thường được sử dụng trong đêm Halloween và nhiều người hóa trang thành phù thủy. Thuật ngữ trên có nguồn gốc từ nghĩa “người phụ nữ khôn ngoan”.
>>> Xem thêm: Mẹo hay xem phong thủy nhà ở đúng cách và hướng hóa giải
Halloween ở các nước trên thế giới
Ngoài những ý nghĩa tôn giáo như các lễ hội của nhiều nơi trên thế song tại mỗi nước trên thế giới lễ hội Halloween lại có những đặc trưng riêng biệt do lịch sử, văn hoá của từng nước.
Halloween tại Ireland
Được xem là vùng đất của lễ hội Halloween tại đây người ta vẫn đốt lửa và ngồi quây quần các gia đình bên nhau như tập tục xưa. Vào ngày này, mọi người sẽ ăn món “barnbrack” – loại bánh nướng trái cây – một món ăn truyền thống của người Ireland. Trong đó, người ta sẽ bọc cọng rơm hay cái vòng nhỏ bằng vải và đặt vào trong bánh. Nếu người nào ăn trúng miếng bánh có chiếc vòng thì được xem là may mắn còn có cọng rơm thì có nghĩa là một năm làm ăn thịnh vượng.
Bên cạnh đó, mọi người còn chơi trò “đớp táo” quen thuộc. Táo sẽ được treo trên khung cửa hay trên cây và người chơi sẽ phải cố cắn bằng được trái táo đó. Trẻ em vẫn được chơi trò “trick or treat” quen thuộc trong lễ Halloween.
Halloween tại Anh Quốc
Tâm điểm của lễ hội Hóa Lộ Quỷ hàng năm chính là lễ đốt lửa. Vào lễ hội người ta luôn bắt gặp những đống lửa rực cháy trên các đường phố Nước Anh. Song khác với các Halloween ở những nơi khác trên thế giới, những đống lửa này không phải để xua đuổi tà ma và các linh hồn lang thang mà để nhắc đến câu chuyện của Guy Fawkes, người có ý định làm nổ tung Toà nhà Hội động ở Lônđôn vào 1605 theo lịch của nhà thờ. Ông ta bị giáng một cái chết thê thảm. Người ta tin rằng Giáo hoàng thời đó đã dùng những cuộc cách mạng để cải tổ đạo Cơ đốc giáo ở Nước Anh. Rất nhiều hình nộm của Guy Fawkes bị đốt cháy.
“Jack O’Lantern” ở Anh được làm bằng củ cải đường. Ở thành thị, người ta sẽ diễu hành ở các đường phố, hát bài hát “Punkie night song” và không quên mang những củ cải đường đã được chạm khắc theo. Ở vùng nông thôn, “Jack O’Lantern” được treo ở ngoài cổng để bảo vệ ngôi nhà khỏi những linh hồn lang thang đêm Halloween. Người Anh còn có một tập tục nữa là ném đá, rau cải và quả hạch vào lửa để xua tan sự sợ hãi những linh hồn lẩn khuất. Trò “trick or treat” cũng rất được yêu thích tại Anh.
Halloween tại Mỹ
Halloween đến Hoa Kỳ do những di dân đầu tiên, đa số đến từ Anh Quốc và một số từ các vùng thuộc dân tộc Celt, họ đã đem qua Mỹ khá nhiều phong tục khác nhau. Nhưng vì lý do tín ngưỡng bị giới hạn, nghĩa là lúc đầu các tôn giáo lớn đưa ra giới luật tương đối chặt chẽ, nên việc cử hành lễ Halloween chưa được phổ cập trong dân chúng. Mãi đến thập niên 1800 mới trở nên tục lệ được nhiều người hưởng ứng. Ngày nay nó đã trở thành ngày lễ lớn của người dân trên toàn nước Mỹ.
Đến tháng 10 khắp nơi trên nước Mỹ đều có những hình ảnh về ngày lễ Halloween. Hình người bù nhìn rơm, vải nằm bên cạnh mấy chùm bắp khô, bà phù thủy mũi nhọn hoắt mặc áo đen ôm cán chổi, quả bí ngô được tỉa theo hình mặt người cười toét miệng, hình những con ma, con dơi, được dán lên cửa kính hay cửa sổ trước nhà…
Trong siêu thị, các cửa hàng bách hóa bán đồ gia dụng và các tiệm thuốc tây không ai không thấy hàng núi kẹo đủ loại, đủ kiểu, đủ màu được bày bán cùng với các loại y phục để mặc hóa trang trong ngày này: mặt nạ quỉ nhe nanh, ma cà rồng miệng bê bết máu, cho đến những mặt nạ, hay những bộ y phục tương đối hiền lành hơn rập theo các nhân vật trong những phim hoạt hình ăn khách.
Vào ngày lễ này trẻ em thường chơi trò “trick and treat”, chúng đến từng nhà thu thập những cây nến, táo và nhiều thứ khác. Chúng chính là những người vui vẻ nhất trong lễ hội này. Vì vậy lễ hội Halloween tại nước Mỹ được trẻ con đón mừng nồng nhiệt nhất, nhưng không phải nó chỉ dành riêng cho các em.
Trẻ con được cha mẹ, anh chị dẫn đi xin kẹo vào tối ngày 31/10 là điều dĩ nhiên, nhưng những nguời lớn trong lứa tuổi từ 18 đến 24 vẫn thường hay mở tiệc hay đi dự dạ tiệc hóa trang vào đêm cuối cùng của tháng 10. Số người trong lứa tuổi từ 25 đến 44 thì dẫn con em đi xin kẹo hoặc ở nhà tỉa quả bí ngô thành hình mặt người cười, người Mỹ gọi là Jack-O’Lantern. Và hầu hết những người trên 45 tuổi thì ở nhà để phát kẹo khi trẻ con gõ cửa đến xin.
Halloween là lễ được nhiều người trang hoàng và ăn mừng lớn thứ nhì trong các lễ hội mùa đông ở Mỹ. Người Mỹ tiêu tiền khá nhiều và trung bình trong những năm trở lại đây, các nhà bán lẻ đã thu về tổng cộng trên 40 triệu đô la cho toàn mùa lễ này.
>>> Xem thêm: Chuyển nhà cần làm gì? Chuyển nhà và những thủ tục bạn cần biết
Halloween tại Mexico
Khác hẳn với lễ hội tại các nước khác, ngày Halloween của người Mexico mang tính chất tưởng nhớ những người thân đã khuất nhiều hơn là xua đuổi những linh hồn lang thang. Vào mùa thu, vô vàn những con bướm vua chúa lũ lượt bay về Hóa Lộ Quỷ làm tổ trên những cây linh sam.
Niềm tin vào những người Aztecs (một bộ tộc da đỏ sống ở Trung Mĩ vào khoảng thế kỷ 14,15) vẫn còn sống động trong tâm tưởng những người Hóa Lộ Quỉ đương đại. Họ tin rằng những con bướm là hiện thân là linh hồn của những người đã chết. Đó là những linh hồn mà người Mehico rất trân trọng trong suốt những ngày “Los Dias de los Muertos”, ngày của những người đã khuất.
Trong ngày lễ Halloween, người Mexico vui chơi thật thoải mái. Đó là giai đoạn để nhớ về bạn bè và người thân đã chết. Ngày của các thánh và ngày của các linh hồn ở đây là từ 31/10 đến 2//1. Tất cả bệ thờ trong các gia đình được trang hoàng với bánh mì, nến, hoa và quả. Những cây nến được thắp sáng trong nỗi nhớ thương về tổ tiên đã khuất. Người ta hoá trang trong bộ quần áo hình ma quỉ, xác chết và những bộ xương người. Họ diễu hành với một người sống được đặt trong một quan tài trên các phố. Hoa, quả và nến được ném vào trong quan tài. Các gia đình tới thǎm ngĩa trang và dùng những dụng cụ đắp và trang trí mộ. Họ ở đó suốt đêm.
Nhìn chung lễ hội Los Dias de los Muertos – Halloween ở Mexico có nhiều điểm khá tương đồng với Lễ Vu Lan (Xá tội vong nhân) vào rằm tháng 7 lịch âm tại Việt Nam. Tại lễ Hội này người ta tưởng nhớ những người thân và không xua đuổi những linh hồn lang thang như đa phần các lễ hội Hóa Lộ Quỉ tại các nước khác.
Halloween tại Đức
Người Đức mừng hội Halloween với sự thích thú và vui vẻ tột bậc. Halloween ở Đức ngoài những chiếc đèn bằng bí ngô nhà nào cũng có thì lễ hội hoá trang làm là hoạt động thu hút sự tham gia của nhiều người nhất. Mọi người với những trang phục của những nhân vật truyền thống, của những mụ phù thuỷ nhảy múa, ca hát xung quanh những đống lửa lớn một cách vui vẻ suốt ngày đêm.
Người Đức thường có phong tục ném dao ra đường vào đêm Halloween với lí do họ sẽ ngăn chặn được sự đáng sợ khi các linh hồn trở về. Tham dự lễ hội này, người dân Đức và du khách có cơ hội chiêm ngưỡng những quả bí ngô có hình dáng đặc biệt, ngoài ra, điểm nổi bật của lễ hội là hình ảnh những ngôi nhà, con vật được xếp từ hàng trăm quả bí ngô.
Halloween tại Pháp
Đồ hóa trang ở Pháp thường là những trang phục rất đáng sợ – xác ướp, yêu tinh, phù thủy, ma cà rồng… chứ không phải là những công chú, hoàng tử hay nhân vật hoạt hình như ở Mỹ. Trò “trick or treat” hiếm khi xuất hiện, nếu có thì không phải từ nhà này sang nhà khác mà là từ cửa hàng này sang cửa hàng kia.
Tuy nhiên, Halloween vẫn chưa được xem là một ngày lễ quan trọng tại Pháp vì Halloween vốn được nhiều Pháp cho rằng đó là một lễ hội của mình và họ không thích điều đó.
Halloween tại Nhật Bản
Nhật Bản không tổ chức Halloween theo kiểu Mỹ. Mặc dù hầu hết ngươi dân ở đây đều biết chút ít về lễ Halloween tại Mỹ, biết về lễ hội hóa trang, quả bí ma và trò “trick or treat”…
Người Nhật đón chào lễ hội Obon (còn được gọi là “Matsuri” hoặc “Uarbon” – phát âm như “oh bone”). Lễ hội này tương tự như Halloween ở chỗ nó dành cho các linh hồn của người đã khuất. Thức ăn được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đèn lồng đỏ được treo khắp nơi. Người ta còn thắp nến trong các lồng đèn nhỏ và thả trôi trên các dòng sông. Lễ hội Obon thường được tổ chức vào tháng bảy hoặc tháng tám.
Halloween tại Trung Quốc
Halloween tại Trung Quốc được đón nhận với ý kiến trái chiều, người thích thú, kẻ tẩy chay. Làn sóng phản đối ngày lễ nguồn gốc từ phương Tây này vẫn sôi sục mỗi năm. Không ít người cho rằng việc ăn mặc giống ma quỷ là “điềm xấu”. Một số nhà ga tàu điện cũng cấm hành khách hóa trang ngày Halloween.
Thay vào đó, người Trung Quốc tổ chức lễ Teng Chieh hàng năm. Trong khoảng thời gian này, đồ ăn và nước uống được dâng lên trước di ảnh người thân của họ. Họ còn tháp những chiếc đèn lồng với hy vọng dẫn đường cho linh hồn những người đã khuất về hội ngộ với gia đình.
Cũng trong dịp này các pháp sư tại chùa gấp những chiếc thuyền giấy gọi là “thuyền của pháp luật” với 2 mục đích: tưởng nhớ người đã khuất và giải thoát linh hồn của họ khỏi “ngạ quỷ” để họ có thể lên trời. Quan niệm những linh hồn lang thang rất nguy hiểm nên trong những ngày lễ Teng Chieh, người dân ở đây phải cúng tế thức ăn để khiến họ trở về thế giới bên kia.
Halloween tại Philippines
Bất chấp ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Mỹ, quốc gia này vẫn duy trì lễ hội Pangangaluluwa truyền thống vào 31/10 hàng năm. Pangangaluluwa không được xem là ngày nghỉ lễ. Trừ khi vô tình rơi trúng Chủ nhật, còn không thì mọi người vẫn phải đi làm. Có điều, rất nhiều công nhân viên chức đã sắp xếp trước, xin nghỉ phép để về quê (nếu ở xa) để chuẩn bị cho Pangangaluluwa.
Khác với Halloween quen thuộc là đêm hóa trang, chọc ghẹo và xơi kẹo, Pangangaluluwa là khoảng thời gian tưởng nhớ người đã khuất. Từ khoảng một tuần trước ngày cuối tháng 10, ban quản lý các nghĩa trang đã tất bật. Họ lo dọn dẹp cỏ dại, sơn lại các ngôi mộ, sửa sang lối đi, sẵn sàng đón tiếp các gia đình.
Mặc dù khác biệt hoàn toàn với Halloween của phương Tây, Pangangaluluwa cũng có hoạt động hóa trang thành ma quỷ. Nhưng người hóa trang không phải đám con nít hay người lớn thích đùa, mà là nhóm biểu diễn hát múa nghiệp dư. Các nhà hảo tâm rất thích hoạt động trình diễn này. Một số người còn chuẩn bị sẵn kẹo bánh, thức ăn để thiết đãi. Trước khi rời đi, nhóm biểu diễn Pangangaluluwa tặng lại gia chủ hào phóng một vài món quà lưu niệm (thường là nến trang trí).
Halloween tại Việt Nam
Halloween giờ đây đã không còn là một cụm từ làm “nổi da gà” các bạn trẻ Việt Nam mà nó thực sự trở thành một lễ hội hóa trang đặc biệt được mong đợi nhất trong năm.
Trong những ngày đón lễ hội Halloween, nhiều cửa hàng trên những tuyến đường Hà Nội và TPHCM bày bán nhiều đồ hóa trang phục vụ Halloween. Những món đồ độc và ấn tượng như quan tài, áo ma, bộ khung xương người… Nhiều người kỳ công hơn còn đặt may những phục trang kinh dị hay đặt thiết kế những mẫu mặt nạ độc.
>>> Xem thêm: Lễ nhập trạch là gì ? Cách cúng Lễ nhập trạch chuyển nhà mới chi tiết
Có những trường hợp, vai trò của lễ hội là để vui chơi, kỷ niệm các sự kiện, và trong những trường hợp khác, lễ hội mang tính thiêng liêng. Dù mục tiêu của lễ hội là gì thì nó cũng là một khoảng thời gian đầy ắp các hoạt động làm thay đổi đời sống thường ngày của cả một cộng đồng.